Đăng nhập
Bạn muốn tạo chứng cứ pháp lý trong giao dịch và các quan hệ pháp luật?               Bạn thắng kiện trong một vụ án và muốn Thừa phát lại trực tiếp thi hành?      Bạn gặp vấn đề vì không chứng minh được bên phải thi hành án tài sản để thi hành án?                Hoặc bạn có thắc mắc gì về pháp luật?      Liên hệ số 01234 112 115  hoặc  0906 311 132 để được hỗ trợ ngay!

Đánh giá website của tôi
Rất hữu ích
Bình thường
Nội dung kém
Không có bình luận


(Đức Hoài)-Theo quy định của pháp luật khi tham gia tố tụng, luật sư được xác định là người tham gia tố tụng trong các vụ án, theo đó luật sư có những quyền năng nhất định. Tuy nhiên, để thực hiện những quyền năng đó thì quả không dễ dàng.

Trên thực tế đã có những cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã rất tạo điều kiện cho luật sư khi luật sư đến làm thủ tục. Đó có thể là do luật sư có “mối quan hệ”, hoặc có thể là do cơ quan tiến hành tố tụng hoặc người tiến hành tố tụng đó đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Và như thế luật sư sẽ rất “ nhàn”. Họ “nhàn”  không chỉ ở thủ tục tham gia tố tụng ban đầu mà có thể họ sẽ “nhàn” trong suốt cả quá trình tiến hành tố tụng cho đến khi kết thúc vụ án.

Tuy nhiên, cũng có không ít những  bất cập mà luật sư đã gặp phải khi đến làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng để thực hiện chức năng tham gia tố tụng của mình.

Nếu theo cách nói của một số luật sư thì người viết những dòng chữ này hiểu rằng: “Mọi con đường đều đi đến thành Rome” nhưng để đi đến thành Rome đó quả là phiền toái và chật vật. Nhiều trường hợp “Được vạ thì má đã sưng”.

Làm thủ tục tham gia tố tụng và vấn đề cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng

Tại Điều 27 Luật Luật sư 2006  quy định rất rõ về các giấy tờ mà luật sư chỉ cần có khi làm thủ tục tại các cơ quan tiến hành tố tụng, đó là Thẻ luật sư, Giấy yêu cầu luật sư, Giấy giới thiệu. Đối với trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng thì luật sư cần có Thẻ luật sư và Văn bản cử luật sư của Đoàn luật sư  tỉnh, thành phố hoặc Văn bản cử luật sư của Tổ chức hành nghề luật sư. Ngoài ra luật sư không phải xuất trình bất cứ một loại giấy tờ nào khác.

Và thời hạn cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư không quá ba ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ.

Cũng cần phải nói thêm rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2013) thậm chí còn quy định giản đơn hơn tức là quy định thủ tục luật sư chỉ gồm có Thẻ luật sư và Giấy yêu cầu luật sư mà thôi. Luật cũng không quy định các giấy tờ khác mà luật sư phải gửi kèm theo khi làm thủ tục tham gia tố tụng.

Luật quy định đã đầy đủ, rõ ràng  nhưng đã có một số cơ quan tiến hành tố tụng  lại không thực hiện như vậy.

Một vài cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng lại yêu cầu luật sư phải nộp thêm các loại giấy tờ khác. Để tiện việc cho mình, không ít luật sư đã phải chấp nhận bổ sung vào thủ tục luật sư theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Có nơi yêu cầu Chứng chỉ hành nghề luật sư. Có nơi yêu cầu Hợp đồng dịch vụ pháp lý. Có nơi thì yêu cầu cả hai. Theo quan điểm của họ thì hồ sơ như thế mới là đầy đủ.

Nếu luật sư nào kiên quyết không nộp thêm các loại giấy tờ mà họ yêu cầu thì chắc chắn là phải có thêm một động tác là làm Đơn kiến nghị và chờ đợi giải quyết của lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng đó. Và có lẽ khi luật sư đó nhận được Giấy chứng nhận người bào chữa hay Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì thời hạn cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật không còn là 03 ngày nữa mà là nửa tháng, một tháng thậm chí còn lâu hơn  nữa.

 Trong nhiều trường hợp khi luật sư nhận được Giấy chứng nhận tham gia tố tụng cũng là lúc cơ quan tiến hành tố tụng đó chuyển hồ sơ vụ án mà luật sư tham gia sang một cơ quan tiến hành tố tụng khác. Vậy thì vai trò của luật sư trong từng giai đoạn tố tụng thật khó mà phát huy vì không có cơ hội.

Một luật sư của Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Phúc chia xẻ sự bức xúc của ông vì đã gặp phải những trường hợp như vậy khi làm thủ tục luật sư.

Tôi đã từng tham gia các vụ án ở một số các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn thành phố Hà Nội và các địa bàn khác như Hải Phòng, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… Đâu đâu tôi thấy cũng có một vài cá nhân người tiến hành tố tụng  hành” luật sư ngay từ thủ tục ban đầu để được cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng. Tôi đã giải thích với họ rằng thủ tục luật sư của tôi như vậy là đã đầy đủ theo quy định của pháp luật rồi. Hơn nữa có Chứng chỉ hành nghề luật sư rồi mới được cấp Thẻ luật sư vậy còn yêu cầu nộp thêm Chứng chỉ hành nghề luật sư làm gì. Nói thế nhưng họ không nghe. Họ bảo đấy là quy định trong cơ quan. Như thế chẳng khác nào nộp Bằng tốt nghiệp đại học rồi mà vẫn yêu cầu nộp Bằng tốt nghiệp lớp 12…”

Một luật sư khác của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cũng giải bày tâm sự:

Tôi tham gia trợ giúp pháp lý và là luật sư Cộng tác viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hà Nội đã được 04 năm.  Nhiều khi cầm Thẻ luật sư cùng Quyết định phân công của Trung tâm trợ giúp pháp lý đến làm thủ tục tham gia tố tụng nhưng cũng gặp không ít phiền toái. Những tưởng làm trợ giúp pháp lý thì các cơ quan tiến hành tố tụng ưu tiên hơn nhưng ai dè. Luật Trợ giúp pháp lý quy định rất rõ về các đối tượng được trợ giúp pháp lý và chỉ những người nào đủ tiêu chuẩn được trợ giúp pháp lý thì mới có Quyết định phân công luật sư tham gia vụ án. Hồ sơ của người đó được lưu giữ tại Trung tâm trợ giúp pháp lý. Vậy mà khi luật sư đến làm thủ tục thì cơ quan tiến hành tố tụng lại yêu cầu luật sư cung cấp các tài liệu, giấy tờ để chứng minh người được trợ giúp pháp lý là đối tượng được cử luật sư trợ giúp pháp lý. Cũng có trường hợp họ lại yêu cầu trực tiếp người được trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ thể hiện mình là đối tượng được trợ giúp pháp lý…  Họ gần như chẳng quan tâm gì về Quyết định cử luật sư của Trung tâm trợ giúp pháp lý. Điều này đồng nghĩa với việc: trong thời gian luật sư hay người được trợ giúp pháp lý chưa đáp ứng yêu cầu của họ thì luật sư cũng chưa được cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng.”

Mặt khác, cũng theo quy định của Luật Luật sư 2006 và Luật Trợ giúp pháp lý thì:Giấy chứng nhận tham gia tố tụngcó giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ trường hợp bị thu hồi…. Điều này có nghĩa là chỉ cần có một cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận người bào chữa thôi thì người bào chữa đó sẽ được pháp luật thừa nhận trong suốt quá trình tiến hành tố tụng cho đến khi  kết thúc vụ án.

Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy.

Một luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhận nhiệm vụ bào chữa cho một đối  tượng là người chưa thành niên trong  vụ án Cố ý gây thương tích tại các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Đông Anh cho biết:

Sau khi được Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Đông Anh cấp Giấy chứng nhận người bào chữa,  bà đã được tiếp xúc với bị can và chính bị can đã có đơn  đồng ý để luật sư bào chữa cho mình trong  cả ba giai đoạn Điều tra, Truy tố, Xét xử sơ thẩm. Người giám hộ của bị can cũng đã đồng ý.

Thế nhưng khi hồ sơ chuyển sang Viện kiểm sát, luật sư đến làm thủ tục thì kiểm sát viên phụ trách vụ án từ chối nhận hồ sơ  của luật sư, mặc dù luật sư đã liên hệ để làm thủ tục luật sư đến lần thứ ba. Lý do từ chối của họ rất đơn giản. Giai đoạn nào riêng giai đoạn đó. Họ phải chờ gặp được bị can trong trại giam và liên hệ với người giám hộ thì mới nhận thủ tục luật sư. Người giám hộ ở xa thì cũng phải chờ.

Lẽ dĩ nhiên trong trường hợp này, luật sư nhận được Giấy chứng nhận người bào chữa cũng là lúc Viện kiểm sát ra Cáo trạng và làm thủ tục chuyển sang Tòa. Không cần quan tâm đến việc bị can là người chưa thành niên, kiểm sát viên phúc cung hoặc tống đạt Cáo trạng cho bị can không cần sự có mặt của luật sư.

Gặp bị can, bị cáo trong trại tạm giam.

Cũng vấn đề nêu trên, Giấy chứng nhận người bào chữa có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ trường hợp bị thu hồi….tuy nhiên nếu trong giai đoạn truy tố, Trại giam đã nhận thông báo dịch chuyển từ Cơ quan cảnh sát điều tra sang Viện kiếm sát mà luật sư vào trại giam với Giấy chứng nhận người bào chữa do Cơ quan cảnh sát điều tra cấp  hoặc vào trại giam trong giai đoạn Xét xử mà dùng Giấy chứng nhận người bào chữa của Viện kiếm sát thì chắc chắn luật sư không bao giờ gặp được thân chủ của mình.

Trại tạm giam số 1 Công an TP Hà Nội là đơn vị hiện đang áp dụng quy chế này. Luật sư vào giai đoạn nào thì phải có Giấy chứng nhận của giai đoạn đó thì mới được vào trại gặp thân chủ của mình. Họ không chấp nhận việc vào trại giai đoạn này dùng Giấy chứng nhận người bào chữa của giai đoạn khác.

Hoặc trong trường hợp đến giai đoạn Xét xử, luật sư cầm Giấy chứng nhận người bào chữa do Tòa án cấp để vào trại giam gặp thân chủ nhưng trong trại giam không nhận được thông báo dịch chuyển từ Viện kiếm sát sang Tòa do kiểm sát viên “ bận” hoặc vì lý do nào khác thì “ hỡi ôi, mời luật sư về, hôm khác lại vào”.  

Luật sư đi đường gần thì không sao nhưng luật sư ở xa thì lại quá vất vả.

Hỏi cung bị can

Để đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động tố tụng, pháp luật có quy định luật sư được quyền có mặt khi hỏi cung bị can, bị cáo. Tuy nhiên, quyền này chưa được thi hành một cách triệt để. Vẫn còn đâu đó một số những người tiến hành tố tụng “ vô tình” quên mất việc báo cho người bào chữa để họ có mặt khi tham gia hỏi cung thân chủ của họ mặc dù luật sư đã có đề nghị trước.

Như vậy, việc lấy cung không có mặt luật sư. Việc tống đạt Bản kết luận điều tra, Cáo trạng lại càng không cần có luật sư trong khi đó luật sư thì cứ băn khoăn liệu thân chủ của mình có bị ép cung, mớm cung hay không. Nếu có kiến nghị gửi cơ quan tiến hành tố tụng thì “chờ dài cổ” vẫn chưa thấy trả lời.

Thiết nghĩ, do hiện nay pháp luật chưa có một chế tài nào buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải cho luật sư đi cùng khi làm việc với  bị can, bị cáo vì thế đã dẫn đến việc luật sư không được báo trước, không được gặp thân chủ của mình cho dù biết rằng thân chủ của mình rất mong mình có mặt.

Việc hỏi cung mà không có luật sư tham gia trong nhiều trường hợp có khách quan hay không? Trong khi đó luật sư lại không được tự mình vào gặp bị can ngay từ giai đoạn điều tra. Chỉ đến khi hồ sơ vụ án chuyển sang giai đoạn Truy tố luật sư mới thực hiện được điều này.

Sao chụp hồ sơ vụ án.

Một trong những quyền của luật sư khi tham gia tố tụng được pháp luật thừa nhận đó là quyền được sao chụp hồ sơ vụ án. Tất nhiên, quyền này thì không có một cơ quan tiến hành tố tụng nào phủ nhận nó. Tuy nhiên, có phải lúc nào luật sư cũng nhận được sự tạo điều kiện của cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình sao chụp hồ sơ đâu.

Đối với giai đoạn điều tra, luật sư xin sao chụp hồ sơ sau khi kết thúc điều tra nhưng thường hay gặp sự lảng tránh của cán bộ điều tra. Có lúc họ viện cớ chờ xin ý kiến lãnh đạo, có lúc họ viện cớ bận. Khi họ có thể cho sao chụp thì cũng là lúc hồ sơ đã chuyển sang Viện kiểm sát từ lúc nào vì thời gian được sao chụp quá ngắn.

“ Luật sư thông cảm sang Viện chụp” Đó thường là câu trả lời của họ.

Trong giai đoạn Truy tố và giai đoạn Xét xử, việc sao chụp hồ sơ vụ án của luật sư cũng chẳng mấy thuận tiện.

Ở một số cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn đâu đó bóng dáng một số cá nhân người tiến hành tố tụng có biểu hiện gây phiền hà cho luật sư .

Sau khi nộp đơn xin sao chụp hồ sơ vụ án, luật sư không được sao chụp ngay mà  phải chờ để họ hỏi ý kiến lãnh đạo. Thời gian có thể là một  ngày, ba ngày, năm ngày tùy vào việc họ đồng ý cho chụp vào lúc nào.

Được sao chụp hồ sơ cũng không đơn giản. Luật sư phải liệt kê cụ thể các tài liệu mà mình sao chụp mặc dù trong đơn luật sư đã nêu rất rõ là đề nghị chụp toàn bộ các tài liệu có trong hồ sơ.

Một luật sư của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhận được câu trả lời thẳng thừng của một kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Anh – người phụ trách vụ án, khi chị đề nghị được sao chụp toàn bộ hồ sơ vụ án để phục vụ cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại trong một vụ án hình sự Cố ý gây thương tích. Đó là:

Luật sư chỉ được sao chụp các Biên bản ghi lời khai của  người mà mình bảo vệ thôi. Còn các tài liệu khác thì phải chờ hỏi ý kiến lãnh đạo.”

Mặc cho luật sư có ý kiến, vị kiểm sát viên đó vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Trong trường hợp này luật sư đành phải chờ đợi để được giải quyết.

Vị luật sư này tỏ vẻ không vui“ Đang chụp hồ sơ dở dang, chưa xong thì hồ sơ đã sang Tòa mất rồi!”.

Đối với các vụ án dân sự do Tòa án phụ trách thì khi luật sư sao chụp tài liệu thì phần lớn hồ sơ vụ án chưa được đánh số bút lục. Để cẩn thận, có luật sư đã phải mất rất nhiều lần sao chụp lại hồ sơ.  Có lẽ Tòa án chỉ đánh số bút lục trước khi mở phiên tòa.

Điều này gây khó khăn không ít về công sức và thời gian của luật sư  bởi lẽ luật sư không thể biết là hồ sơ vụ án mình sao chụp như thế đã đủ chưa. Liệu có bị thiếu tài liệu nào không. Câu trả lời đó chỉ có Tòa mới trả lời được.

Tham gia phiên tòa

Pháp luật tố tụng  quy định luật sư được tham gia xét hỏi, được tham gia tranh luận tại phiên tòa nhưng trên thực tế nhiều khi quyền này bị hạn chế rất nhiều tại các phiên tòa.

Trong quá trình xét hỏi, nhiều khi chủ tọa phiên tòa cắt ngang câu hỏi của luật sư: Đề nghị luật sư đặt câu hỏi trọng tâm. Những câu hỏi mà Hội đồng xét xử đã hỏi thì luật sư không hỏi lại.

Lời “nhắc khéo” như thế này của chủ tọa phiên tòa hầu như diễn ra thường xuyên tại các phiên tòa mà có luật sư tham gia.

Trong phần tranh luận, nhiều khi luật sư cũng bị “chặn trước” hoặc bị cắt ngang bởi Hội đồng xét xử: Đề nghị luật sư nói ngắn thôi!.

Việc hạn chế quyền xét hỏi cũng như quyền tranh luận của luật sư tại phiên tòa vô hình chung đã làm giảm đi vị trí, vai trò của luật sư trong con mắt của thân chủ bởi thân chủ khi họ gặp luật sư, họ cần được giúp đỡ cũng giống như một người chết đuối vớ được cái phao, nhưng họ lại sợ rằng cái phao đó dễ bị xẹp vì bị người khác dùng kim đâm vào. Và như vậy hình ảnh tốt đẹp của luật sư cũng bị giảm đi rất nhiều.


(Những bị cáo vị thành niên như thế này - Họ cần phải có luật sư)

Đôi điều tâm sự

Luật sư tham gia tố tụng có lúc thuận lợi, có lúc gặp khó khăn.

Thuận lợi là lúc  cơ quan tiến hành tố tụng trong phạm vi quyền hạn của mình đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền tham gia tố tụng của luật sư cũng như đảm bảo quyền được nhờ người bào chữa của các bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự…

Khó khăn là lúc cơ quan tiến hành tố tụng đã “ làm ngơ” trước đề nghị có căn cứ của luật sư. Sự “làm ngơ” này có phải là do nhận thức pháp luật và cách hiểu của từng cá nhân người tiến hành tố tụng hay không? Hay do quy định “nội bộ” của cơ quan tiến hành tố tụng?

Nhưng dù là lý do nào đi chăng nữa thì đó cũng là những “rào cản” đối với luật sư khi tham gia tố tụng.

Mong rằng trong tương lai, những hạn chế này sẽ dần được khắc phục để luật sư tham gia tố tụng với con đường rộng mở hơn và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân được bảo vệ tốt hơn.

Theo Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan

 Văn phòng luật sư Hà Lan và Cộng sự- Đoàn luật sư TP Hà Nội

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Tự tạo website với Webmienphi.vn